Thai chậm phát triển trong tử cung là gì?
Thai chậm phát triển trong tử cung là tình trạng thai nhi bị suy dinh dưỡng khi còn trong bụng mẹ. Chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung bao gồm cân nặng và sự phát triển của thai nhi tại thời điểm thăm khám. Để xác định thai nhi có thực sự bị ngưng phát triển hay chậm phát triển thì bác sĩ cần đo kích thước và ước lượng cân nặng của thai ít nhất 2 lần khám liên tiếp cách nhau 1 tuần. Thai nhi chậm phát triển trong tử cung sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những thai nhi bình thường.
THAI NHI CHẬM PHÁT TRIỂN TRONG TỬ CUNG LÀ TÌNH TRẠNG THAI NHI BỊ SUY DINH DƯỠNG
Nguyên nhân gây nên thai chậm phát triển là gì?
Có 4 nhóm tác nhân dẫn đến tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung mà mẹ bầu cần tìm hiểu.
Tác nhân từ thai nhi
Thai nhi có bộ nhiễm sắc thể bất thường.
Dị tật thai nhi.
Đa thai.
Tác nhân từ nhau thai
Nhau thai có vấn đề: Suy chức năng bánh nhau, nhau bám màng, bất thường tử cung,
Tác nhân từ mẹ
Mẹ bị cao huyết áp.
Mẹ bị suy dinh dưỡng hoặc có vóc dáng nhỏ.
Mẹ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến gan, tim, thận…
Mẹ bị chảy máu hoặc mắc các bệnh như tiểu đường thai kỳ, hồng cầu liềm…
MẸ BỊ TIỂU ĐƯỜNG LÀ MỘT TRONG NHỮNG TÁC NHÂN GÂY NÊN THAI CHẬM PHÁT TRIỂN TRONG TỬ CUNG
Tác nhân từ bên ngoài
Thai chậm phát triển trong buồng tử cung cũng có thể do ảnh hưởng của môi trường nhiều khói thuốc lá. Mẹ uống nhiều rượu bia hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng… Bất kỳ nhiễm trùng nào của mẹ trong thời kỳ mang thai (giang mai, Toxoplasmosis, Cytomegalovirus) đều có thể gây nên tình trạng trên.
Dấu hiệu của thai chậm phát triển trong tử cung là gì?
Tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung thường không có dấu hiệu cụ thể. Vì vậy, rất khó để các mẹ bầu tự nhận thấy mà đa số các mẹ chỉ tình cờ phát hiện khi khám thai. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể chú ý kỹ, nếu thấy tăng cân ít hoặc trong mình có mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp thì phải thường xuyên đi thăm khám thai kỳ.
Cách phát hiện và chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung
Để chẩn đoán tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung, các bác sĩ sẽ dùng các phương pháp sau:
Siêu âm
Chẩn đoán thai chậm phát triển cần siêu âm đo kích thước thai ít nhất 2 lần, cách nhau ít nhất 4 tuần. Siêu âm Doppler màu là kỹ thuật thường được dùng trong tình huống này. Kỹ thuật này được sử dụng để đo tốc độ và lưu lượng máu vào mạch não của thai nhi để phát hiện thai nhi có chậm phát triển trong tử cung hay không.
Kiểm tra cân nặng của mẹ
Đây là cách để ước tính sự phát triển của thai nhi. Trong mỗi lần khám thai, bác sĩ sẽ kiểm tra và ghi lại cân nặng của mẹ. Nếu mẹ bầu có cân nặng thấp hơn mức độ lý tưởng thì đây có thể là dấu hiệu thai nhi chậm phát triển.
Theo dõi thai nhi
Bác sĩ sẽ tiến hành khám thai nhi bằng cách đặt một đai quanh bụng của người mẹ. Những dây đai này có đầu dò gắn vào màn hình. Kết quả kiểm tra sẽ được hiển thị trên màn hình và bác sĩ sẽ dựa vào đó để đánh giá tình trạng thai nhi.
Chọc ối
Đây là một thủ thuật sử dụng kim để lấy nước ối rồi đem đi kiểm tra nhiễm trùng hoặc bất thường nhiễm sắc thể. Tuy nhiên, vì phương pháp xâm lấn này có thể dẫn đến nguy cơ sinh non nên thường là biện pháp được đề xuất sau cùng.
CHỌC ỐI LÀ MỘT TRONG NHỮNG PHƯƠNG PHÁP GIÚP CHẨN ĐOÁN THAI NHI CHẬM PHÁT TRIỂN
Nhóm thai phụ nào có nguy cơ cao mang thai chậm phát triển?
Thai chậm phát triển trong tử cung là tình trạng mà không mẹ bầu nào mong muốn xảy đến với mình. Và những đối tượng mẹ bầu dưới đây sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng bệnh trên.
Có tiền sử sinh con chậm phát triển trong tử cung.
Tăng cân ít hơn bình thường khi mang thai.
Mắc các bệnh lý như cao huyết áp, tăng hồng cầu, tiểu đường.
Tiền sử hút thuốc, lạm dụng chất kích thích, bia, rượu, sử dụng ma túy.
Mang thai đôi hoặc đa thai.
Mắc bệnh rối loạn di truyền hoặc bệnh truyền nhiễm.
Tiền sử tiếp xúc với môi trường có nhiều hóa chất và chất độc hại.